Backdrop Branding
Lại một trường phái làm thương hiệu mới à? Không. Chỉ là cái tít gây chú ý để nói về một hạng mục thiết kế, một vật phẩm truyền thông, cũng là một thể hiện của việc thực thi thương hiệu vô cùng phổ biến, quen thuộc với mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức thôi.
Số là, tôi có một anh bạn kinh qua cả doanh nghiệp, NGO và giờ là đại sứ quán. Hôm rồi anh ấy inbox tôi nhờ cho xin một số gạch đầu dòng lưu ý khi thiết kế backdrop cho sự kiện. Anh ấy than phiền là các bạn thiết kế anh ấy đã và đang làm việc hầu như không có một nguyên lý, phương pháp nào trong thiết kế backdrop. Và thay vì chỉ gạch vài đầu dòng ngắn gọn, tôi đã chia sẻ với anh ấy hẳn một tút dài ngoằng như bên dưới.
Một backdrop thường bao gồm 4 thành phần:
– Hình ảnh thể hiện chủ đề, thông điệp, ý tưởng
– Text
– Logo các đơn vị liên quan
– Yếu tố đồ hoạ hỗ trợ
1/ Về Logo:
– Logo các đơn vị luôn nằm ở vị trí trang trọng; nên đặt ở độ cao tối thiểu 1,7m trở lên để ko bị người đứng trên sân khấu che mất; tối kị đặt ở dưới chân;
– Chú ý thứ tự trên – dưới, phải – trái… của logo các đơn vị theo mối quan hệ về vị trí, vài trò…, đặc biệt là với các event mang tính chính trị, ngoại giao;
– Về mỹ thuật, logo các đơn vị nên có kích thước bằng nhau, chỉ phân cấp bậc, vai trò của các đơn vị bằng vị trí, thứ tự (tuy nhiên, sẽ có một số đơn vị NN của Việt Nam yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên thì to hơn cấp dưới);
– Logo nên đồng nhất một định dạng đồ hoạ, tức là: nếu cùng là logo màu nguyên bản thì tất cả cùng nhất quán; nếu là dạng âm bản hay dương bản thì cũng đồng nhất âm/ dương bản; nếu có box trắng thì cùng là box trắng…;
– Nếu chỉ có một hoặc một ít logo thì cố gắng ứng dụng đúng chuẩn brand identity của mỗi thương hiệu. Nếu có nhiều logo mà hình ảnh nền backdrop khó làm nổi bật logo thì sẽ cần thêm yếu tố đồ hoà tạo nền cho từng logo hoặc cả cụm logo.
2/ Về text:
– Tên/ nội dung chính của event phải nằm ở độ cao từ 1,7m trở lên (nếu tổng chiều cao của backdrop ko bị hạn chế);
– Nếu là event của một tổ chức thì text nên ứng dụng theo font chuẩn của brand identity. Nhưng nếu là special event thì có thể dùng font không có trong quy định của brand indentity guidelines nhưng thể hiện tốt nhất chủ đề, concept;
– Tránh sử dụng nhiều font trên một backdrop. Thông thường thì chỉ được phép tối đa 3 font: một font cho tên chính (dụng công thì nên có chút typo), một font cho tên phụ hoặc nội dung chi tiết – bổ nghĩa; một font cho thời gian, địa điểm, các tiêu đề cho các yếu tố thành phần kiểu như: đơn vị tổ chức, đơn vị tài trợ…;
– Nếu không dùng font theo brand identity thì phải chọn font phù hợp với lĩnh vực, tính chất, chủ đề, ý tưởng của event. Cái này là tuân thủ nguyên tắc “relevance” trong định vị;
– Font của backdrop phải nhất quán với font của các phương tiện truyền thông khác của event. Cái này gọi là nguyên tắc “consistency”;
– Màu sắc của font nên tuân thủ theo màu sắc của brand identity hoặc màu chung của tổng thể event, hoặc dùng các màu có tính tương phản theo cùng một dải màu hài hoà với các yếu tố đồ hoạ còn lại;
– Bố cục text nếu không đòi hỏi là dạng đặc biệt thì thông thường phải nhất quán theo một kiểu align (căn trái – căn phải – căn giữa);
– Cách sử dụng font bold, extra-bold, regular, light, extra-light, thin, italic… cần tuân thủ brand indentity hoặc không thì sẽ căn cứ vào yếu tố chính phụ và nhiệm vụ chuyên chở thông tin, thông điệp của từ ngữ. Tối kị cùng một dòng, một cụm mà có quá nhiều định dạng;
– Chú ý cách ngắt đoạn, xuống dòng và sử dụng dấu câu sao cho chuẩn chính tả và không có các câu, từ, cụm từ bị “mô côi”, “lang thang”;
– Cách dòng, cách đoạn phải đảm bảo cho audience đọc tốt nội dung nhưng cũng không được để tổng thể bố cục rời rạc, lỏng lẻo;
– Font size phải tỷ lệ hài hoà với kích thước của backdrop và kích thước các yếu tố khác trên backdrop. Font size giữa các cụm text phải hài hoà, tránh quá chênh lệch, nhưng cũng phải đủ có sự khác biệt để thể hiện các nội dung chính phụ.
3/ Về hình ảnh:
– Nếu là backdrop của một event có chủ đề, ý tưởng xuyên suốt thì nó sẽ ứng dụng từ key visual chung của cả event. Trường hợp này mọi thứ đã có guidelines nên việc ứng dụng sẽ khá dễ dàng;
– Nếu là dạng event đơn giản, chỉ có một backdrop (thêm một số standee) thì hình ảnh hoặc được ứng dụng từ những hình ảnh dạng brand photography có sẵn của cty/ tổ chức hoặc sẽ mua từ một nguồn ảnh nào đó. Cũng có thể đó không phải là ảnh mà là một background dạng abstract. Dù là gì thì yêu cầu đặt ra là phải relevant;
– Một số lưu ý khác:
+ Hình ảnh phải đủ độ nét;
+ Hình ảnh phải thuận tiện cho việc bố cục và làm nổi bật text;
+ Hình ảnh phải được giữ trọn vẹn về mặt bố cục, thông điệp ẩn chứa khi resize theo kích thước của backdrop;
+ Hình ảnh phải có bản quyền;
+ Hình ảnh không nên quá phổ biến (kiểu đem theme của Windows ra làm backdrop cho event về IT);
+ Hình ảnh phải có màu sắc tương phản nhưng không đối nghịch với màu sắc của mảng tường hay không gian của địa điểm setup. Tránh tường màu trắng lại làm một backdrop có nền trắng ởn, như thế nó sẽ khiến người nhìn từ xa hay chụp ảnh cảm thấy chữ được in lên tường…
4/ Yếu tố đồ hoạ hỗ trợ:
– Phải thật sự cần thiết mới dùng. Thông thường là khi hình ảnh chính không đủ độc đáo hay không đủ thể hiện yếu tố định vị, truyền tải thông điệp thì mới cần dùng thêm yếu tố đồ hoạ bổ trợ;
– Nếu đó không phải là dạng brand format thì nó cần đảm bảo yếu tố relevant với ngành, chủ đề, ý tưởng…;
– Phải tuân thủ về luật phối màu với màu text và màu hình ảnh nền. Không được lấn át nội dung và hình ảnh chính;
– Phải hài hoà về tỷ lệ. Thông thường không được vượt quá 1/3 kích thước của backdrop;
– Không quá phổ thông;
– Trau chuốt đường nét đồ hoạ.
…
Để có một thương hiệu mạnh trước hết cần có một chiến lược thương hiệu đúng, thông minh, nhưng sau đó đòi hỏi một khả năng thực thi chính xác, đồng bộ và nhất quán cao. Mọi thứ cần được bắt đầu từ những chi tiết đơn giản nhất, quen thuộc nhất – như cái backdrop.
Cái backdrop chỉ là cái backdrop, nhưng những gì thể hiện trên đó sẽ cho biết bạn là ai, thương hiệu của bạn như thế nào, sản phẩm dịch vụ phía sau ra sao. Vì thế, đừng đùa với backdrop!
Bích Hịp
(Vũ Trung Hiệp)
CEO & ECD, LinkStar Event & Communication
Brand Director, Korloff Vietnam
Yêu thích nghệ thuật, phim ảnh, khởi nghiệp từ năm 25 tuổi – hiện nay Hoàng Dũng là một CEO – Film Director trẻ tuổi và có uy tín của ColorMedia.,JSC tại Hà Nội. Anh luôn dành thời gian cho việc học tập, nghiên cứu và trải nghiệm những điều mới mẻ và thú vị.